1) Đóng BHXH bao nhiêu năm được lương hưu mức 75%?

Bà Nguyễn Thị Mạch (Sóc Trăng) sinh ngày 16/6/1965, đóng BHXH được 22 năm 1 tháng, BHXH tự nguyện được 3 năm 5 tháng. Tháng 6/2020, bà đủ tuổi hưu nhưng thiếu trên 5 năm đóng BHXH.

Vậy, bà có được đóng tiếp BHXH để hưởng lương hưu tối đa 75% không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 2, Khoản 1 Điều 73, Điểm b Khoản 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014, người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có 20 năm đóng BHXH trở lên.

Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2% mức tối đa bằng 75%.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, bà sinh tháng 6/1965, tháng 6/2020 đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH để tính hưởng mức lương hưu 75% mức bình quân thu nhập tháng, hiện bà đang đóng BHXH tự nguyện thì bà vẫn được tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức đóng hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần, hoặc một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm) để được cộng nối thời gian tham gia BHXH trước đó (25 năm 6 tháng) cho có từ đủ 30 năm đóng BHXH để hưởng mức lương hưu 75% theo quy định của pháp luật.

2) Không nhận lương hưu để lĩnh BHXH 1 lần có được không?

Bà Mai Tuyết hỏi, nếu có đủ năm đóng BHXH để hưởng lương hưu nhưng chưa đủ tuổi hưu thì có được thanh toán BHXH 1 lần không?

Nếu bà đủ năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu mà không muốn nhận lương hưu để lĩnh BHXH 1 lần thì có được không? Nếu bà Mai đang nhận lương hưu nhưng không may qua đời thì gia đình bà được hưởng chế độ gì? Có được chế độ tử tuất và thanh toán trợ cấp BHXH 1 lần không?

BHXH Việt Nam trả lời vấn đề này như sau: 

Theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014, Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội thì người lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH 1 lần:

1. Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; 

2. Người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

3. Ra nước ngoài để định cư;

4. Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác mà có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, không có khả năng hồi phục.

5. Trường hợp người lao động làm việc trong các cơ quan lực lượng vũ trang khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Đối chiếu với quy định nêu trên thì :

- Trường hợp người lao động có đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí mà chưa đủ tuổi thì chỉ được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp tại điểm 3, 4 và 5 nêu trên.

- Trường hợp đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì được hưởng BHXH 1 lần nếu thuộc một trong các trường hợp tại điểm 3 và 4 nêu trên.

Về chế độ tử tuất đối với người đang hưởng lương hưu chết

Theo quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 66, điểm b khoản 1 Điều 67, Điều 68, Điều 69 và Điều 70 Luật BHXH năm 2014 thì người đang hưởng lương hưu chết thân nhân được hưởng những chế độ sau:

- Người đang hưởng lương hưu chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng với mức trợ cấp bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đang hưởng lương hưu chết;

- Thân nhân đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 67 được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng với mức trợ cấp đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở, trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở, số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 4 người.

- Trường hợp không có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 67 hoặc thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.

Theo Chinhphu.vn

3) Lao động nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp có phải đóng BHXH?

Lãnh đạo công ty bà Lê Ngọc Diệu là người Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc từ tháng 5/2019 theo diện di chuyển nội bộ của tập đoàn nước ngoài. Bà Diệu hỏi, trường hợp này có phải tham gia BHXH không?

Về vấn đề này, BHXH TP. Hà Nội trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ, người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp được xác định là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.

Căn cứ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

2. Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;”.

Như vậy, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo diện di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Cũng theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì:

“Điều 12. Đối tượng tham gia BHYT

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);”.

Vậy theo hướng dẫn trên, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo diện di chuyển nội bộ không thuộc đối tượng đóng BHYT bắt buộc.

Theo Chinhphu.vn
4) Đóng trùng BHXH, giải quyết thế nào?

Ông Đinh Hiệp (TPHCM) có quyết định chấm dứt HĐLĐ tại công ty vào ngày 16/5/2020. Trong tháng 5, ông có 7 ngày làm việc hưởng lương và 14 ngày làm việc không hưởng lương nhưng Cty vẫn đóng BHXH.

Từ ngày 1/5/2020, ông Hiệp đồng thời đã làm việc tại công ty mới, đủ 21 ngày công hưởng lương.

Ông Hiệp hỏi, trong tháng 5/2020 ông tham gia BHXH tại công ty cũ hay công ty mới? Trường hợp phải làm thủ tục thoái thu do đóng trùng BHXH thì công ty cũ hay công ty mới làm thủ tục này? Thủ tục gồm những giấy tờ gì?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Theo hướng dẫn tại Công văn số 25/LĐTBXH-BHXH ngày 5/1/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hoàn trả tiền đóng BHXH, BHTN; Tiết e Điểm 3.1 Khoản 3 Điều 43 quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trường hợp một người có từ 2 sổ BHXH trở lên, có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau thì cơ quan BHXH thực hiện hoàn trả cho người lao động số tiền đơn vị và người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và số tiền đã đóng vào quỹ BHTN (bao gồm cả tiền thuộc trách nhiệm đóng BHXH, BHTN của người sử dụng lao động) không bao gồm tiền lãi.

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 85 và Khoản 4 Điều 86 Luật BHXH năm 2014, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người sử dụng lao động và người lao động không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này người lao động không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đối chiếu các quy định nêu trên, trong tháng 5 ông có 7 ngày làm việc hưởng lương và 14 ngày làm việc không hưởng lương tại công ty cũ thì tháng đó ông và công ty cũ không phải đóng BHXH. Từ ngày 1/5/2020 ông phát sinh hợp đồng làm việc tại đơn vị mới thì ông thuộc đối tượng tham gia BHXH tại đơn vị mới.

Do vậy, ông liên hệ với công ty cũ lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH để được hoàn trả số tiền BHXH, BHTN đã đóng gồm: Mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH.

Đề nghị ông liên hệ cơ quan BHXH nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể.

Theo Chinhphu.vn
6) Ký hợp đồng thuê khoán có phải đóng BHXH?

Bà Nguyễn Thị Thủy (Hà Nội) tuyển nhân công vào làm việc, trả lương khoán theo m2 sau khi hoàn thành khối lượng công việc đó. Bà Thủy hỏi, công ty bà có phải đóng BHXH cho những lao động đó không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 2, Khoản 2 Điều 3, Khoản 2 Điều 21 Luật BHXH năm 2014, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng.

Đối chiếu các quy định nêu trên, trường hợp công ty của bà và người lao động có giao kết hợp đồng lao động thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Công ty có trách nhiệm đóng BHXH và hàng tháng trích từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH. Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng thuê khoán thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Đề nghị bà liên hệ cơ quan BHXH nơi công ty đóng trụ sở chính để được hướng dẫn thực hiện.

Theo Chinhphu.vn
7) Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng mới đóng BHXH 6 năm, xử lý thế nào?

Cô của bà Hồng Nga năm nay 56 tuổi, đóng BHXH được 6 năm và giờ cô muốn nghỉ việc. Cô của bà dự định tham gia BHXH tự nguyện. Bà Nga hỏi, trong 1 năm thì cô của bà có thể đóng tối đa bao nhiêu lần?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện thì:

- Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Đóng hằng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần, đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

- Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức (hằng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần) cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu theo quy định.

Đối chiếu với quy định trên, trường hợp cô của bà hiện tại 56 tuổi (đã đủ tuổi nghỉ hưu), đóng BHXH được 6 năm (còn thiếu 14 năm để đủ 20 năm đóng) thì có thể chọn đóng tiếp BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức (hằng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần) cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Ví dụ: Tháng 8/2020, cô của bà lựa chọn đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho 5 năm về sau thì đến tháng 7/2025, tổng thời gian đóng sẽ là 11 năm, tháng 8/2025, cô của bà đóng tiếp BHXH tự nguyện một lần cho 9 năm còn thiếu là đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Theo Chinhphu.vn

Định dạng file .doc|.docx|.pdf|.DOC|.DOCX|.PDF|.xls|.jpg|.png|.gif|.JPG|.PNG|.GIF và dung lượng tối đa 3MB

+200 Doanh nghiệp đang kết nối với chúng tôi

© 2020 - fosco - Một thành viên của fosco.vn

Online: 1 | Ngày: 7 | Tháng: 797 | Tổng: 184083